CEO của một số doanh nghiệp lớn và nổi tiếng nhất nước Mỹ cho biết nhiều khách hàng đang gặp khó khăn vì giá cả tiếp tục tăng. Lạm phát dai dẳng là rắc rối đối với người tiêu dùng, doanh nghiệp và FED.
Siết chặt hầu bao
Theo CNBC, lạm phát là chủ đề hàng đầu trong các cuộc thảo luận của giới doanh nghiệp Mỹ suốt 3 năm qua. Tốc độ tăng của giá cả đã chậm lại sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) bắt đầu nâng lãi suất vào đầu năm 2022, nhưng người tiêu dùng vẫn đang gặp áp lực trong bối cảnh chi phí tiếp tục đi lên. Và họ thường phản ứng bằng cách siết hầu bao.
Ông Chris Kempczinski - CEO của McDonald’s, phát biểu trong buổi họp báo công bố kết quả kinh doanh vào ngày 30/4: “Rõ ràng người tiêu dùng trên khắp thế giới vẫn đang chịu áp lực. Người tiêu dùng ngày càng kỹ tính với từng đồng chi tiêu trong bối cảnh họ đối mặt với giá cả cao mỗi ngày”.
Lạm phát dai dẳng khiến quan điểm của người Mỹ về sức khỏe của nền kinh tế trở nên u ám. Dữ liệu công bố ngày 30/4 của The Conference Board cho thấy niềm tin của người tiêu dùng Mỹ trong tháng 4 đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ giữa năm 2022. Giá cả cao vẫn là nỗi lo hàng đầu của công chúng.
Số liệu thống kê chi phí lao động quý 1 phản ánh tiền lương vẫn đang trên đà tăng. Nhưng giá cả mà người tiêu dùng bình thường phải trả cũng cao hơn trước, bào mòn phần thu nhập tăng thêm .
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 của Mỹ tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn hẳn mục tiêu lạm phát 2% của giới chức ngân hàng trung ương.
Sự dai dẳng của lạm phát khiến nhận định của công chúng về nền kinh tế trở nên tiêu cực. Tuy lạm phát đã hạ nhiệt đáng kể từ giữa năm 2022, giá cả không thực sự giảm xuống. Đây là rắc rối đối với McDonald’s và hàng loạt công ty khác.
“Tập trung cao độ”
Trong quý 1, tốc độ tăng trưởng doanh số trong cùng cửa hàng của McDonald’s thấp hơn một chút so với kỳ vọng của Phố Wall. CEO Kempczinski tuyên bố chuỗi đồ ăn nhanh này sẽ phải “tập trung cao độ” vào tính phải chăng để thu hút khách hàng bởi giá cả đang khiến họ để mất người tiêu dùng thu nhập thấp.
Các giám đốc của 3M - nhà sản xuất các vật dụng như băng dính và giấy ghi chú, nói với các nhà phân tích rằng “chi tiêu tùy ý của người tiêu dùng tiếp tục suy yếu”. Doanh thu và lợi nhuận của 3M đánh bại kỳ vọng của thị trường trong quý 1, nhưng ban lãnh đạo cảnh báo họ dự kiến chi tiêu tiêu dùng trong năm 2024 sẽ “trầm lắng”.
CEO Chris Peterson của công ty hàng tiêu dùng Newell Brands là một trong nhiều lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ coi lạm phát là nguyên nhân chính đang cản trở hoạt động kinh doanh của họ.
Kết quả kinh doanh 3 tháng đầu năm của Newell Brands cao hơn ước tính của các nhà phân tích, nhưng công ty đưa ra dự báo khiêm tốn cho quý hiện tại và cảnh báo doanh thu sẽ tiếp tục suy giảm.
Ông Peterson nói: “Các mặt hàng mà chúng tôi kinh doanh vẫn đang chịu sức ép trong bối cảnh người tiêu dùng thận trọng với các khoản chi tiêu tùy ý. Hành vi này là hệ quả của việc lạm phát năng lượng, thực phẩm và nhà ở vượt quá tốc độ tăng trưởng của tiền lương”.
Song, không phải mọi doanh nghiệp phục vụ người tiêu dùng đều gặp rắc rối. Ông Noel Wallace - CEO Colgate-Palmolive, tiết lộ hôm 26/4 rằng tốc độ tăng trưởng doanh số nhìn chung đã phục hồi do “lạm phát bớt dữ dội hơn và giá cả bắt đầu ổn định”.
Tại Coca-Cola, các nhà quản lý nhận thấy khách hàng tập trung nhiều hơn đến giá trị sản phẩm và sức mua của những người tiêu dùng thu nhập thấp đã sụt giảm. Tuy nhiên, lãnh đạo của Coca-Cola bình luận rằng người tiêu dùng Mỹ nói chung “vẫn đang trong trạng thái tốt”.
Tổng hợp
>> Xem thêm:
Comments